MS782 – Phân tích bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu

MS782 – Phân tích bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài:

Giới thiệu Vội vàng là tác phẩm tiêu biểu của Xuân Diệu.

2. Thân bài:

– ước muốn kì lạ của thi sĩ:

+ Điệp ngữ “ tôi muốn” thể hiện cái tôi cá nhân cá thể cùng lòng yêu của một tâm hồn muốn “ tắt nắng”, “ buộc gió” để giữ sắc hương cho cuộc đời.

+ “ Tắt nắng”, “ buộc gió” là một ước muốn táo bạo muốn cướp quyền tạo hoá, đi ngược lại với quy luật tự nhiên. Ước muốn ấy biểu hiện một tình yêu vô bờ với cuộc đời trần thế cùng khát vọng muốn bất tử hoá cái đẹp để cái đẹp toả sắc lên hương giữa cuộc đời.

– thiên đường ngay tại mặt đất tràn ngập xuân sắc, xuân tình.

+ Từ “ của” giúp người đọc hình dung được chủ thể của ong bướm, hoa lá, khúc tình si,…là “ mầu”, là “ hương”.

+ Tuần trăng mật của yêu đương chồng vợ đã trở thành “ tuần tháng mật” của ong bướm dập dìu. Cành xuân đã hoá “ cành tơ” mơn mởn, căng tràn sức sống. Tiếng hót của chim yến, chim oanh đã trở thành điệu tình si say đắm khôn cùng. Bình minh mang gương mặt người thiếu nữ với “ ánh sáng chớp hàng mi” cũng đủ “ khuynh quốc khuynh thành”. Tháng giêng mơn mởn cành tơ, dìu dặt những khúc tình duyên luyến ái đã hoá cặp môi gần gợi cảm vừa trong sáng, vừa nồng nàn, vừa gợi cảm giác trần thế say mê, mãnh liệt.

=> Xuân Diệu với cái nhìn trẻ hoá đã biến cái thế giới cũ kĩ, già nua trở thành một thiên đường đầy mật ngọt. Tất cả được bày sẵn, gọi mời như một bữa tiệc trần gian.

=> quan điểm mĩ học mới mẻ: con người là thước đo thẩm mỹ của vũ trụ, thế giới này đẹp nhất, mê hồn nhất là con người giữa tuổi trẻ, mùa xuân và tình yêu.

– Quan niệm về thời gian:

+ thời gian là tuyến tính, một chiều được tính bằng mùa xuân, tuổi trẻ ngắn ngủi. Bởi vậy Xuân Diệu vội vàng, cuống quýt tận hưởng, tận hiến để không phải luyến tiếc khi thời gian đã qua.

+ Thời gian luôn vận động chảy trôi, mỗi khoảnh khắc tuyệt vời trong hiện tại vừa đến đã lập tức bị đẩy vào quá khứ, trong hiện tại đã nhuốm mầu biệt li. Thời gian chảy trôi “ xuân sẽ già” hay chính là ẩn dụ cho cuộc đời người “ xuân bất tái lai”. Do đó, nhà thơ dự cảm một nỗi lo sợ thời gian không bao giờ trở lại.

+ Thời gian qua được cảm nhận bằng khứu giác “ mùi tháng năm”, bằng cả thị giác “ rớm”, bằng cả vị giác “ vị chia phôi”. Thi sĩ đã cảm nhận rõ nét mỗi khoảnh khắc trôi qua là sự chia lìa, mất mát. Vì vậy, cả đất trời vang lên một lời than triền miên bất tận “ than thầm tiễn biệt”.

– lựa chọn sống của Xuân Diệu

+ chạy đua với thời gian, sống cuống quýt, sống vội vàng để nắm bắt, hưởng thụ yến tiệc trần gian trong vẻ đẹp của tháng giêng tràn trề sức sống xuân thì và giao hoà tình tứ.

+ câu thơ “ Ta muốn ôm” đột ngột ngắn đến bất ngờ thể hiện một cái tôi đang dang rộng vòng tay, ôm cho khắp, gom cho vừa mọi vẻ đẹp trần thế say đắm như một thiên đường đầy mật ngọt.

+ Từ ta thay thế cho từ tôi. Các động từ mạnh được sử dụng nhuần nhuyễn kết hợp với từng chi tiết sắc sảo của thiên nhiên trong mối liên hệ với liên từ “ và” giúp người đọc hình dung, hạnh phúc như tràn ngập tuôn ra, từng trang thơ là một cuộc chạy đua vội vàng, cuồng nhiệt.

=> Tất cả phương tiện ngôn từ cùng cộng hưởng để làm nên mạch cảm xúc dào dạt, đắm say cho bài thơ và làm nên trang thơ Xuân Diệu, trang thơ của một nhà thơ “ mới nhất trong các nhà thơ mới”, một nhà thơ dành cho những người trẻ tuổi, trẻ lòng.

>> Xem thêm:  MS715 - Nghị luận về tình mẫu tử trong xã hội ngày nay

3. Kết bài:

“ Vội vàng” được ra đời trong hoàn cảnh phần đông thanh niên Việt Nam đang chìm đắm trong mối sầu vạn kỉ, trong bế tắc không lối thoát có ý nghĩa sâu sắc mang đến cho con người một lòng yêu sống, một khao khát tận hưởng cuộc sống, giúp con người sống với thực tại, vội vàng, cuồng nhiệt, đăm say tận hưởng cuộc đời để không phải nuối tiếc khi thời gian đã trôi.

Làm bài

Xuân Diệu là một cái tôi luôn khát khao giao cảm hết mình với cuộc đời trần thế bằng một tình yêu luôn sục sôi, nồng nàn. Chính vì thế, cảnh vật trong mắt ông là mùa xuân trong độ xuân thì, là tuổi trẻ, là những gì đẹp đẽ, căng tràn sức sống, sức xuân. Cái hơi thở nồng nàn của sự sống, cái ham muốn tột cùng tận hưởng cuộc đời của Xuân Diệu được gói trọn trong một “ hình thức phương xa” với thế giới nghệ thuật đầy cách tân và táo bạo về thi pháp đã được thể hiện rõ qua bài thơ “ Vội vàng”.

“ Vội vàng” là tiếng nói sôi nổi, hăm hở của một tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống đến cuồng nhiệt và là tuyên ngôn cho quan niệm nhân sinh sâu sắc chưa từng có gắn liền với quan niệm thẩm mỹ, quan niệm thời gian và cách ứng xử của con người trước cuộc sống. Đây là bài thơ tiêu biểu cho sự bùng nổ mãnh liệt của cái tôi thơ Mới nhưng in đậm dấu ấn hồn thơ Xuân Diệu.

Mở đầu bài thơ là ước muốn kì lạ của thi sĩ:

“ Tôi muốn tắt nắng đi

Cho mầu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi.”

Điệp ngữ “ tôi muốn” thể hiện cái tôi cá nhân cá thể cùng lòng yêu của một tâm hồn muốn “ tắt nắng”, “ buộc gió” để giữ sắc hương cho cuộc đời. “ Tắt nắng”, “ buộc gió” là một ước muốn táo bạo muốn cướp quyền tạo hoá, đi ngược lại với quy luật tự nhiên. Ước muốn ấy biểu hiện một tình yêu vô bờ với cuộc đời trần thế cùng khát vọng muốn bất tử hoá cái đẹp để cái đẹp toả sắc lên hương giữa cuộc đời.

Vì sao thi sĩ lại có ước muốn kì lạ ấy? Vì nhà thơ đã phát hiện ra một thiên đường ngay tại mặt đất:

“ Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh rì

Này đây lá của cành cây phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi

Mỗi buổi sáng thần vui hằng gõ cửa

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.”

Từ “ của” giúp người đọc hình dung được chủ thể của ong bướm, hoa lá, khúc tình si,…là “ mầu”, là “ hương”. Nhà thơ dường như đã rung lên mọi giác quan, đã nhìn con người trong mùa xuân, tuổi trẻ, tình yêu bằng một cặp mắt “ xanh non biếc rờn” để mang đến nét mới mẻ cho bức tranh xuân chan chứa xuân tình.

Tuần trăng mật của yêu đương chồng vợ đã trở thành “ tuần tháng mật” của ong bướm dập dìu. Cành xuân đã hoá “ cành tơ” mơn mởn, căng tràn sức sống. Tiếng hót của chim yến, chim oanh đã trở thành điệu tình si say đắm khôn cùng. Bình minh mang gương mặt người thiếu nữ với “ ánh sáng chớp hàng mi” cũng đủ “ khuynh quốc khuynh thành”. Tháng giêng mơn mởn cành tơ, dìu dặt những khúc tình duyên luyến ái đã hoá cặp môi gần gợi cảm vừa trong sáng, vừa nồng nàn, vừa gợi cảm giác trần thế say mê, mãnh liệt. Xuân Diệu với cái nhìn trẻ hoá đã biến cái thế giới cũ kĩ, già nua trở thành một thiên đường đầy mật ngọt. Tất cả được bày sẵn, gọi mời như một bữa tiệc trần gian.

Bức tranh xuân chan chứa xuân tình, căng tràn sức sống thể hiện niềm vui sướng ngất ngây của thi nhân và một quan điểm mĩ học mới mẻ: con người là thước đo thẩm mỹ của vũ trụ, thế giới này đẹp nhất, mê hồn nhất là con người giữa tuổi trẻ, mùa xuân và tình yêu. Thơ Xuân Diệu sôi nổi, cuồng nhiệt như thể đã phát hiện ra một thiên đường thật ngay trên mặt đất này, trong tầm tay của mỗi người. Thiên đường ấy đầy mật ngọt nhưng không xa vời trong hư ảo mà nó ở tại đây, ngay lúc này, trong nhịp thở, nhịp tim phập phồng, trong khoảnh khắc hiện tại nơi mảnh đất này.

>> Xem thêm:  Giới thiệu về Hồ Biểu Chánh – tác giả của tác phẩm Cha con nghĩa nặng

Cảnh đẹp, mùa xuân đầy sức sống nhưng thời gian luôn chảy trôi nên không có gì là bền vững, nhất là tuổi trẻ. Niềm vui say phút chốc chợt tan biến, nhường chỗ cho những băn khoăn, sững sờ khi nhà thơ nhận ra sự tương phản giữa tôi và cuộc đời, giữa đời sống hữu hạn với thiên nhiên đất trời tuần hoàn vô hạn:

“ Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất

Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật

Không cho dài tuổi trẻ của nhân gian

Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại

Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời.”

Nếu trong thơ xưa, thời gian tuần hoàn, bốn mùa luân chuyển thì trong thơ Xuân Diệu, thời gian là tuyến tính, một chiều. Nếu trong thơ xưa, thời gian là thước đo của vũ trụ thì ở đây, thời gian được tính bằng mùa xuân, tuổi trẻ ngắn ngủi. Bởi vậy, nếu thơ xưa các thi nhân mặc khách luôn ung dung, tự tại thì giờ đây, Xuân Diệu vội vàng, cuống quýt tận hưởng, tận hiến để không phải luyến tiếc khi thời gian đã qua.

“ Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già.”

Từ “ nghĩa là” khiến câu thơ mang diện mạo của lối định nghĩa chỉ ra một sự thật hiển nhiên không thể phủ nhận. Thời gian luôn vận động chảy trôi, mỗi khoảnh khắc tuyệt vời trong hiện tại vừa đến đã lập tức bị đẩy vào quá khứ, trong hiện tại đã nhuốm mầu biệt li. Thời gian chảy trôi “ xuân sẽ già” hay chính là ẩn dụ cho cuộc đời người “ xuân bất tái lai”. Do đó, nhà thơ dự cảm một nỗi lo sợ thời gian không bao giờ trở lại:

“ Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất

Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật

Không cho dài tuổi trẻ của nhân gian.”

Với Xuân Diệu, thước đo của thời gian là tuổi trẻ mà tuổi trẻ một đi không trở lại thì làm gì có chuyện thời gian tuần hoàn. Quan niệm thời gian tuyến tính đồng thời nhấn mạnh quãng thời gian ngắn ngủi của cuộc đời con người trong cái mênh mông vô cùng vô tận của vũ trụ.

Nghĩ về sự hữu hạn của cuộc đời người, nhà thơ đã mang đến nỗi ngậm ngùi mới mẻ:

“ Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời

Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi

Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt.”

Thời gian qua được cảm nhận bằng khứu giác “ mùi tháng năm”, bằng cả thị giác “ rớm”, bằng cả vị giác “ vị chia phôi”. Thi sĩ đã cảm nhận rõ nét mỗi khoảnh khắc trôi qua là sự chia lìa, mất mát. Vì vậy, cả đất trời vang lên một lời than triền miên bất tận “ than thầm tiễn biệt”. Thời gian trôi qua khiến nhan sắc của thiên nhiên diệu kỳ bước vào sự tàn phai, một sự tàn phai không thể nào tránh khỏi. Vạn vật thở than, ngậm ngùi, hờn dỗi đưa tiễn phần đời của chính nó. Sự thức dậy sâu xa về giá trị của sự sống cá thế đã đưa đến cảm giác đầy ám ảnh về thời gian trong thơ Xuân Diệu.

Không thể “ tắt nắng”, “ buộc gió”, không thể níu giữ được thời gian nên cách thực tế nhất là chạy đua với thời gian, là tranh thủ sống:

>> Xem thêm:  MS068 - Viết về người thân yêu nhất của em

“ Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng

Cho chuếch choáng mùi hương, cho đã đầy ánh sáng

Cho no nê hương sắc của thời tươi

Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi.”

Đoạn thơ đã thể hiện lựa chọn sống của Xuân Diệu là chạy đua với thời gian, sống cuống quýt, sống vội vàng để nắm bắt, hưởng thụ yến tiệc trần gian trong vẻ đẹp của tháng giêng tràn trề sức sống xuân thì và giao hoà tình tứ. Điệp từ “ ta muốn” làm tăng tính nhạc, âm hưởng trầm bổng thiết tha của khát vọng cháy bỏng, mãnh liệt.

Trong khổ thơ, câu thơ “ Ta muốn ôm” đột ngột ngắn đến bất ngờ thể hiện một cái tôi đang dang rộng vòng tay, ôm cho khắp, gom cho vừa mọi vẻ đẹp trần thế say đắm như một thiên đường đầy mật ngọt. “ Ta muốn ôm” cả sự sống đang mơn mởn căng trào sức sống. “ Ta muốn riết”, “ muốn say” trong tình yêu cuồng nhiệt. “ Ta muốn thâu” trong vị ngọt vủa cái hôn đằm thắm. “ Ta muốn” tận hưởng tất cả, cuống quýt, đắm say.

Mở đầu bài thơ, tác giả sử dụng từ “ tôi”, giờ đây, cái tôi cá nhân đã chuyển thành cái ta rộng lớn. Dường như nhà thơ muốn thoát khỏi giới của cái tôi hạn hẹp, chật chội để trở thành cái ta kiêu hãnh, tự tin hoà nhập vào dòng chảy thời gian để sống mãnh liệt, sống hết mình hòng đoạt lấy sự sống trong mọi chiều kích không gian và thời gian. Để rồi, lòng Xuân Diệu chuyển sang đắm say mãnh liệt: “ ôm”, “ riết”, “ say”, “ thâu”… Các động từ mạnh được sử dụng nhuần nhuyễn kết hợp với từng chi tiết sắc sảo của thiên nhiên: cây cối, hoa, cỏ rạng trong mối liên hệ với liên từ “ và” – một cách tân táo bạo và mới mẻ của thơ Mới giúp người đọc hình dung, hạnh phúc như tràn ngập tuôn ra, từng trang thơ là một cuộc chạy đua vội vàng, cuồng nhiệt.

Tình yêu cuộc sống, khao khát tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của Xuân Diệu cứ tăng lên từ “ chuếch choáng” đến “ đã đầy” và tột cùng là “ no nê”. Các câu thơ dài ngắn xen kẽ cùng cách điệp cấu trúc, điệp từ, cách ngắt nhịp nhanh mạnh tạo nên nhịp điệu dồn dập, hối hả, gấp gáp, cuống quýt giúp ta thấy cả nỗi cuồng nhiệt, thảng thốt của thi nhân như với lấy những giây phút đã qua, bám lấy bầu xuân hồng.

Tất cả phương tiện ngôn từ cùng cộng hưởng để làm nên mạch cảm xúc dào dạt, đắm say cho bài thơ. Tác phẩm “ Vội vàng” in đậm dấu ấn cá nhân Xuân Diệu về thế giới nghệ thuật độc đáo, đầy cách tân và táo bạo. Trong bài thơ, những hình ảnh được sử dụng đều giàu ý nghĩa, hàm súc, tươi mới, căng tràn sức sống, sức xuân; giọng điệu trẻ trung, sôi nổi; mạch cảm xúc dồi dào, căng tràn mãnh liệt; cách sử dụng thể thơ tự do với những dòng thơ dài ngắn khác nhau…đã làm nên trang thơ Xuân Diệu, trang thơ của một nhà thơ “ mới nhất trong các nhà thơ mới”, một nhà thơ dành cho những người trẻ tuổi, trẻ lòng.

“ Vội vàng” được ra đời trong hoàn cảnh phần đông thanh niên Việt Nam đang chìm đắm trong mối sầu vạn kỉ, trong bế tắc không lối thoát. Bởi vậy, bài thơ có ý nghĩa sâu sắc mang đến cho con người một lòng yêu sống, một khao khát tận hưởng cuộc sống, giúp con người sống với thực tại, vội vàng, cuồng nhiệt, đăm say tận hưởng cuộc đời để không phải nuối tiếc khi thời gian đã trôi. “ Vội vàng” không chỉ là thái độ sống mà đã trở thành tâm thế, trở thành quan niệm sống, triết lý sống của Xuân Diệu.

Bùi Thị Chung

Check Also

Soạn bài Một số thể loại văn học: kịch, nghị luận lớp 11

Soạn bài Một số thể loại văn học: kịch, nghị luận lớp 11

Văn học luôn có sự đa dạng nhất định của nó. Văn học là món …

Nhận thông báo qua email
Nhận thông báo cho
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments