MS781 – Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

MS781 – Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài:

Hàn Mặc Tử nổi bật trên thi đàn thơ Mới là một hồn thơ mãnh liệt nhưng luôn quằn quại đau đớn. Hồn thơ ấy thể hiện rõ qua bài thơ “ Đây thôn Vỹ Dạ”.

2. Thân bài:

khổ 1:

+ câu hỏi tu từ nhiều ý nghĩa: có thể là lời cô gái Vĩ Dạ với hai sắc thái: là lời trách móc nhẹ nhàng cũng là lời mời gọi tha thiết. Đây có thể là cái tôi Hàn Mặc Tử đang phân thân để hỏi chính mình, hỏi mà như nhắc một việc cần phải làm, đáng phải làm mà không biết có còn cơ hội thực hiện nữa không. Ấy là về thôn Vĩ thăm lại chốn cũ cảnh xưa, là khao khát cháy bỏng đã trở thành lời tự vấn: “ Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”

+ sử dụng hai chữ “ về chơi” mà không dùng “ về thăm” vừa thân mật gần gũi lại tự nhiên chân tình.

+ Cảnh vườn thôn Vĩ:

Hình ảnh “ nắng” gợi lên sự tinh khôi, thanh khiết vừa gợi đúng đặc điểm của nắng miền Trung là nắng nhiều, nắng chói chang, rực rỡ ngay từ lúc mới bình minh.

Ánh nắng chiếu vào khu vườn khiến khu vườn lung linh như một viên ngọc lớn, vẻ đẹp vừa thực, vừa hư.

“ Mặt chữ điền” là một hình ảnh đa nghĩa. Nó có thể là mặt chữ Hán trên bức bình phong, có thể là mặt đất, mặt ruộng, là gương mặt khả ái của một người phụ nữ, cũng có thể là hình tượng cái tôi thi sĩ trở về thôn Vĩ.

=> tình yêu mãnh liệt và mặc cảm thân phận của một kẻ đi ngang qua cuộc đời, đứng ngoài mọi cuộc vui, mọi vẻ đẹp trần thế.

-Khổ 2:

+ Câu thơ “ Gió theo lối gió mây đường mây” mở rộng không gian, làm tăng sự trống vắng bởi chuyển động ngược chiều của gió và của mây. Một hình ảnh “ hoa bắp lay” được sử dụng tài tình gợi lên nỗi buồn thiu hiu hắt. Có lẽ đó là tâm trạng con người đã hoá hồn vào cảnh vật.

+ “ Trăng” là hình ảnh thường thấy trong những vần thơ điên loạn, ma quái của Hàn Mặc Tử. Ở đây, “ trăng” gợi cảnh vừa thực vừa hư, sông không còn là dòng sông của sóng nước mà là sông trăng, sông của ánh sáng, của hư ảo mênh mang. Cũng vì thế con thuyền trên sông trăng đã trở thành hình ảnh của mộng tưởng đậu ở bến sông trăng để chở trăng về một nơi nào đó trong mơ.

+ chữ “ kịp” đã giúp ta nhận ra bi kịch của nhà thơ. Ẩn sau một chữ “ kịp” là lời cầu khẩn khắc khoải. Nếu trăng không về kịp thì kẻ bị số phận bỏ rơi kia sẽ lâm vào tuyệt vọng, vĩnh viễn đau thương. Chữ “ kịp” cũng hé mở một cách sống: sống là chạy đua với thời gian bởi thời gian của Tử đang từng giờ, từng khắc trôi qua.

-Khổ 3:

+ Giọng thơ khắc khoải đau đớn đã hiện hình thành nhịp điệu “ Mơ khách đường xa khách đường xa” gấp gáp, khẩn khoản. Hình ảnh “ khách đường xa” dù là người đang sống ở thôn Vĩ hay chính nhà thơ thì cũng đều có một khoảng cách xa vời vợi.

>> Xem thêm:  MS685 - Suy nghĩ về câu nói Một ngày so với một đời người là quá ngắn ngủi, nhưng một đời người là do mỗi người tạo nên

+ Câu hỏi tu từ kết hợp với hai đại từ phiếm chỉ “ ai” hướng tới hai đối tượng. Có thể là chủ thể trữ tình cũng có thể là đối tượng mà chủ thể trữ tình muốn giãi bày. Dù hiểu theo cách nào đi chăng nữa chúng ta cũng thấy Hàn Mặc Tử yêu đời đến đau đớn. Mỗi đoạn thơ đều kết thúc bằng một câu hỏi tu từ, hoá ra dự cảm về sự chia lìa đã xuất hiện từ những lúc mơ mộng nhất. Mỗi câu hỏi là một sự khắc khoải, là một khát khao tình yêu, hạnh phúc đến cháy lòng. “ Đây thôn Vĩ Dạ” không đơn thuần là một bài thơ viết về tình yêu hay tình quê mà nó còn là một lời tỏ tình tuyệt vọng nhà thơ dành cho cuộc đời.

3. Kết bài:

Khẳng định tác phẩm đã in dấu đậm nét trong tâm hồn con người bao đời.

Làm bài

Hàn Mặc Tử nổi bật trên thi đàn thơ Mới là một hồn thơ mãnh liệt nhưng luôn quằn quại đau đớn. Thế giới thơ ông thường được chia làm hai phần đối nghịch nhau. Đó là những vần thơ trong trẻo, tinh khôi hay điên loạn ma quái. Tất cả đều được độc giả đón nhận và khai mở nhiệt tình. Trong số những tác phẩm được người đọc đón nhận đó không thể không kể đến bài thơ nổi tiếng “ Đây thôn Vỹ Dạ”.

“ Đây thôn Vỹ Dạ” là bài thơ trong trẻo hiếm hoi được Hàn Mặc Tử làm trong chuỗi ngày đau thương nhất của cuộc đời mình. Bài thơ với lớp ngôn từ cực tả, mạch liên kết thơ đứt nối, thiếu logic; hình ảnh vừa trong sáng vừa thuần khiết vừa chia lìa, phiêu tán; giọng thơ vừa tha thiết yêu đời vừa đau đời đến tuyệt vọng đã thể hiện khát vọng tình yêu, vượt lên trên tất cả là tình đời, tình người vừa thiết tha vừa uẩn khúc của Hàn Mặc Tử.

Mở đầu bài thơ là câu hỏi tu từ nhiều ý nghĩa:

“ Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”

Câu hỏi đã mở ra cho người đọc nhiêù liên tưởng. Đây có thể là lời cô gái Vĩ Dạ với hai sắc thái: là lời trách móc nhẹ nhàng cũng là lời mời gọi tha thiết. Đây có thể là cái tôi Hàn Mặc Tử đang phân thân để hỏi chính mình, hỏi mà như nhắc một việc cần phải làm, đáng phải làm mà không biết có còn cơ hội thực hiện nữa không. Ấy là về thôn Vĩ thăm lại chốn cũ cảnh xưa, là khao khát cháy bỏng đã trở thành lời tự vấn: “ Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”

Tác giả đã thật tinh tế khi sử dụng hai chữ “ về chơi” mà không dùng “ về thăm”. Bởi lẽ, “ về thăm” xã giao quá, còn “ về chơi” vừa thân mật gần gũi lại tự nhiên chân tình. Khao khát cháy bỏng trong lòng cất lên thành câu hỏi tu từ chẳng khác gì một duyên cớ để khơi dậy trong tâm hồn thi sĩ những kỉ niệm đẹp đẽ về xứ Huế mộng mơ.

Đến ba câu tiếp theo, bức tranh Huế dần hiện lên qua khu vườn thôn Vĩ trong hồi tưởng của thi nhân:

“ Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”

Chỉ với một từ “ nắng” thi nhân đã đưa người đọc lạc vào khu vườn Vĩ Dạ trong trẻo, tinh khôi, tràn đầy sức sống, sức xuân. Ở đây, “ nắng” được gợi chứ không tả như trong bài “ Mùa xuân chín”:

>> Xem thêm:  Phân tích bài Thơ duyên của Xuân Diệu

“ Trong làn nắng ửng khói mơ tan

Sột soạt bờ tranh lấm tấm vàng”.

Hình ảnh độc đáo “ nắng” gợi lên sự tinh khôi, thanh khiết. Tinh khôi bởi nắng được chiếu rọi trên những cành cây cao lớn. Thanh khiết bởi đó là nắng ướt, nắng long lanh trong sương sớm. Đặc biệt, câu thơ có bảy chữ thì có đến hai chữ “ nắng”. Dường như tác giả đã gợi đúng đặc điểm của nắng miền Trung là nắng nhiều, nắng chói chang, rực rỡ ngay từ lúc mới bình minh.

Ánh nắng chiếu vào khu vườn khiến khu vườn lung linh như một viên ngọc lớn, vẻ đẹp vừa thực, vừa hư. Trong cái long lanh hư ảo ấy thấp thoáng gương mặt chữ điền khả ái, phúc hậu của nữ chủ nhân khu vườn “ Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”

“ Mặt chữ điền” là một hình ảnh đa nghĩa. Nó có thể là mặt chữ Hán trên bức bình phong, có thể là mặt đất, mặt ruộng, là gương mặt khả ái của một người phụ nữ, cũng có thể là hình tượng cái tôi thi sĩ trở về thôn Vĩ. Câu thơ giúp người đọc hình dung có một chàng trai trở về Vĩ Dạ vịn một cành trúc che ngang khuôn mặt mình để nhìn vào và say đắm vẻ đẹp khu vườn. Chỉ một câu “ Lá trúc che ngang mặt chữ điền” cũng đủ thể hiện một tình yêu mãnh liệt và mặc cảm thân phận của một kẻ đi ngang qua cuộc đời, đứng ngoài mọi cuộc vui, mọi vẻ đẹp trần thế.

Đến khổ thơ thứ hai, mặc cảm thân phận ấy đã dày vò tâm trí nhà thơ để rồi cái chia lìa hiện hình rõ nét qua từng câu chữ, hình ảnh, nhạc điệu:

“ Gió theo lối gió mây đường mây

Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay.”

Câu thơ “ Gió theo lối gió mây đường mây” như mở rộng không gian, làm tăng sự trống vắng bởi chuyển động ngược chiều của gió và của mây. Một hình ảnh “ hoa bắp lay” được sử dụng tài tình gợi lên nỗi buồn thiu hiu hắt. Có lẽ đó là tâm trạng con người đã hoá hồn vào cảnh vật. Phải chăng mặc cảm chia lìa đã khiến Tử thấy mình như một thân phận bị bỏ rơi, bị quên lãng bên đời?

Trong khổ thơ này, nếu như hai câu thơ đầu gợi cái buồn hiu hắt với những hình ảnh rời rạc, chuyển động rời xa thì ở hai câu sau xuất hiện một hình ảnh độc đáo là “ trăng”:

“ Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay.”

“ Trăng” là hình ảnh thường thấy trong những vần thơ điên loạn, ma quái của Hàn Mặc Tử. Ở đây, “ trăng” gợi cảnh vừa thực vừa hư, sông không còn là dòng sông của sóng nước mà là sông trăng, sông của ánh sáng, của hư ảo mênh mang. Cũng vì thế con thuyền trên sông trăng đã trở thành hình ảnh của mộng tưởng đậu ở bến sông trăng để chở trăng về một nơi nào đó trong mơ.

>> Xem thêm:  Soạn bài tóm tắt tiểu sử

Trong cảnh hư hư thực thực ấy, một chữ “ kịp” đã giúp ta nhận ra bi kịch của nhà thơ. Ẩn sau một chữ “ kịp” là lời cầu khẩn khắc khoải. Nếu trăng không về kịp thì kẻ bị số phận bỏ rơi kia sẽ lâm vào tuyệt vọng, vĩnh viễn đau thương. Chữ “ kịp” cũng hé mở một cách sống: sống là chạy đua với thời gian bởi thời gian của Tử đang từng giờ, từng khắc trôi qua.

“ Mơ khách đường xa khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra.”

Giọng thơ khắc khoải đau đớn đã hiện hình thành nhịp điệu “ Mơ khách đường xa khách đường xa” gấp gáp, khẩn khoản. Hình ảnh “ khách đường xa” dù là người đang sống ở thôn Vĩ hay chính nhà thơ thì cũng đều có một khoảng cách xa vời vợi. Xa vì họ là khách, xa hơn nữa vì điệp từ “ khách đường xa” được lặp lại hai lần như một chuyển động rời xa. Khách đã xa lại mang theo sắc áo trắng quá, một sự cực tả ánh sáng ở độ tột cùng, tuyệt đối đến mức không thực, đến mức hư ảo, nao lòng rồi dần dần lẫn vào trong sương khói.

“ Khách” xa rời, chìm vào khói sương, thi nhân quay về với hiện tại đau đớn của mình là một chốn lãnh cung ảm đạm mịt mùng:

“ Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?”

Câu hỏi tu từ kết hợp với hai đại từ phiếm chỉ “ ai” hướng tới hai đối tượng. Có thể là chủ thể trữ tình cũng có thể là đối tượng mà chủ thể trữ tình muốn giãi bày. Dù hiểu theo cách nào đi chăng nữa chúng ta cũng thấy Hàn Mặc Tử yêu đời đến đau đớn. Còn cuộc đời, tình đời dành cho Hàn Mặc Tử được bao nhiêu? Cuộc đời ngoài kia vẫn cứ kì diệu, vô hạn còn tồn tại ở đây thật quá đỗi mong manh. Đối với Hàn Mặc Tử, chỉ có một chữ “ tình” để ràng buộc, để níu kéo với thế giới ngoài kia. Nhưng cái tình cũng quá mong manh. Mỗi đoạn thơ đều kết thúc bằng một câu hỏi tu từ, hoá ra dự cảm về sự chia lìa đã xuất hiện từ những lúc mơ mộng nhất. Mỗi câu hỏi là một sự khắc khoải, là một khát khao tình yêu, hạnh phúc đến cháy lòng. “ Đây thôn Vĩ Dạ” không đơn thuần là một bài thơ viết về tình yêu hay tình quê mà nó còn là một lời tỏ tình tuyệt vọng nhà thơ dành cho cuộc đời.

Bài thơ “ Đây thôn Vĩ Dạ” ra đời trên thi đàn thơ Mới là một cuộc cách mạng về hình thức giải phóng thơ ca khỏi những ràng buộc nghiêm ngặt đã trở thành lỗi thời của thơ ca trung đại. Bởi vậy, cho ra một Hàn Mặc Tử với hồn thơ quằn quại đau đớn với thế giới thơ chia làm hai phần đối lập vừa trong trẻo vừa ma quái và cũng cho ra một “ Đây thôn Vĩ Dạ” với hình ảnh trong sáng thuần khiết vừa chia lìa phiêu tán vừa ma quái, mạch thơ gián đoạn, giọng thơ vừa tha thiết yêu đời vừa đau đời tuyệt vọng. Tất cả đã in dấu đậm nét trong tâm hồn con người bao đời.

Bùi Thị Chung

Check Also

Soạn bài Một số thể loại văn học: kịch, nghị luận lớp 11

Soạn bài Một số thể loại văn học: kịch, nghị luận lớp 11

Văn học luôn có sự đa dạng nhất định của nó. Văn học là món …

Nhận thông báo qua email
Nhận thông báo cho
guest
0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments